Trường phái Dã thú – sự nổi loạn của sắc màu
Trường phái nghệ thuật Dã thú xuất phát từ những những tác phẩm theo chủ nghĩa Hậu ấn tượng của danh họa Paul Gauguin. Chính nghệ thuật sử dụng màu sắc mang tính tượng trưng vô cùng đặc sắc của ông đã thúc đẩy sự phát triển của trường phái Dã thú. Qua tác phẩm của mình, người nghệ sĩ tài ba đã minh chứng rằng sắc màu có năng lực truyền tải vô vàn xúc cảm đa dạng. Trong bức vẽ ‘Vision after the Sermon’ nơi Gauguin mô tả Jacob chiến đấu chống lại một vị thần, ông họa nền với màu đỏ nhạt để nhấn mạnh cảm xúc cùng nội dung bài thuyết giảng: một cuộc chiến tôn giáo đẫm máu. Gauguin tin rằng, hơn bất kỳ yếu tố nào khác, màu sắc có năng lực biểu cảm tiềm ẩn. Bằng cách xóa bỏ những định kiến về vai trò của màu sắc trong hội họa, ông đã tác động mạnh mẽ đến những họa sĩ trẻ đương thời, giúp họ thỏa sức sáng tạo với sắc màu.
‘Les Fauves’
Vào đầu thế kỷ XX, 2 họa sĩ trẻ Henri Matisse và André Derain đã thành lập một nhóm họa sỹ yêu thích sử dụng những gam màu táo bạo. Nhóm mang tên ‘Les Fauves’ với ý nghĩa ‘quái vật hoang dã’ trong tiếng Pháp. Tên nhóm được đặt bởi một nhà phê bình thích thú với những tác phẩm hội họa mang màu sắc cường điệu của họ. Ngỡ ngàng bởi những bức họa mang phong cách hoàn toàn đối lập với tác phẩm điêu khắc quy thường thời phục hưng được đặt chính giữa căn phòng, nhà phê bình thốt lên đầy mỉa mai, “Donatello au mileau des fauves!” (Donatello đã bị bao vây bởi những con quái vật hoang dã), cái tên có nguồn gốc từ đó.
Henri Matisse và André Derain
Vào năm 1905, Matisse cùng Derain chuyển tới Collioure thuộc miền nam nước Pháp. Với những tác phẩm thuộc trường phái nghệ thuật Dã thú của mình, họ đã tạo nên một cuộc Cách mạng hóa về sắc màu trong hội họa. Bằng cách sử dụng màu sắc một cách phóng khoáng, họ đã lột tả những xúc cảm đặc biệt qua các bức vẽ, điều này có tác động lớn tới mỹ thuật đương thời. Trong tác phẩm ‘The Open Window, Collioure’, Matisse đã đưa vào những gam màu với sắc thái cao nhất. Khung cửa sổ, bình hoa và cột thuyền buồm đều mang màu đỏ tươi. Chấm phá là hàng loạt sắc xanh táo bạo. Để tạo nên sự hài hòa cho bức tranh, họa sĩ đã đưa ra một phép tráo đổi: màu xanh nhạt trên bức tường được phản chiếu lên cửa kính bên tay phải và cửa kính bên tay trái được phản chiếu bởi bức tường màu tím. Để thống nhất không gian trong và ngoài, những sắc màu phổ quang dày đặc bên trong căn phòng được lặp lại dải rác đằng xa bên ngoài khung cửa.
Mới đầu, người thưởng thức có thể phủ nhận năng lực cùng kỹ thuật của người nghệ sĩ bởi việc sử dụng màu sắc một cách tùy tiện của ông, tuy nhiên, nghiêm túc phân tích, ta sẽ nhận thấy khả năng sử dụng các thành tố thị giác vô cùng hiệu quả của người họa sĩ cùng điểm đặc biệt của tác phẩm. Để có thể sử dụng thành công những gam màu cường điệu, người nghệ sĩ phải có năng lực tối giản hóa tác phẩm. Hơn ai hết, danh họa hiểu rằng, để làm được điều này, ông cần hạn chế sử dụng quá nhiều chi tiết trong bức tranh. Với kỹ thuật tối giản hóa và thanh thoát hóa đó, ông đã có thể thỏa sức truyền tải cảm xúc qua những gam màu nổi loạn. Ông viết, “Chúng ta có thể phác họa sự thanh bình qua việc đơn giản hóa ý tưởng cùng hình thái ……. Qúa nhiều chi tiết sẽ làm giảm đi sự trong sáng của tác phẩm, chúng phá hủy xúc cảm nghệ thuật, chúng tôi đã quyết định sẽ loại bỏ chúng. Đây là một câu hỏi thiết yếu – và có lẽ chúng ta cần học lại cách đưa vào những chi tiết. Mục đích của hội họa không phải là phản ánh lại lịch sử, bởi đó là nhiệm vụ của sách vở. Chúng tôi có một cái nhìn sâu sắc hơn. Qua tác phẩm, người nghệ sĩ mong muốn truyền tải cảm xúc của bản thân.”
Vào năm 1906, sau thắng lợi của loạt tác phẩm Colloiure tại buổi triển lãm Salon d’Automne năm trước đó, dưới sự ủy thác của Ambroise Vollard, nhà môi giới nghệ thuật người Pháp, André Derain đã hoàn thành một loạt bức họa thành phố Luân Đôn. Chủ đề này trước đó đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Whistler và Monet, người chỉ tập trung tới khung cảnh tối tăm của thành phố công nghiệp lúc bấy giờ. Với tư tưởng cấp tiến của mình, Derain đã họa lên một thủ đô sử dụng bảng màu chỉ thuộc về những khu nghỉ dưỡng vùng Địa Trung Hải. Họa sĩ đã hoàn thành ba mươi tác phẩm vô cùng nổi tiếng phác họa nhiều khung cảnh dọc sông Thames.
Derain đã cố gắng dung hòa giá trị biểu cảm của màu sắc trong bức họa ‘The Pool of London’. Ông đã sử dụng những gam màu nóng và lạnh đối lập để mô tả tiếng ồn cùng nhịp sống hối hả tại một xưởng đóng thuyền. Để tạo chiều sâu cho tác phẩm, danh họa sử dụng những gam màu với sắc thái ấm nóng tại tiền cảnh và nhạt dần về xa. Bên cạnh đó, hình ảnh trong bức họa được tối giản hóa thành những hình dạng và hình thái qua những chi tiết được phác họa với những nét vẽ và vệt màu tương tự. Như vậy, một tác phẩm với những gam màu đối lập đã đạt được sự hài hòa ngoài mong đợi.
Chủ nghĩa Dã thú và hơn thế nữa
Henri Matisse và André Derain có lẽ là hai nhân tố quan trọng nhất của phong trào nghệ thuật Dã thú, tuy vậy, những danh họa xuất sắc khác như Maurice de Vlaminck, Albert Marquet, Georges Rouault, Raoul Dufy và họa sĩ lập thể Georges Braque cũng đã có những cống hiến đáng kể cho trường phái nghệ thuật này.
Phong trào dã thú không phải là một chủ nghĩa hội họa chính thức với nhiều luật lệ và quy tắc. Thực chất, nó chỉ như một cuộc tụ họp của những nghệ sĩ với mong muốn thể hiện bản thân qua những tác phẩm với những gam màu táo bạo cùng kỹ thuật vẽ tối giản. ‘Les Fauves’ tin rằng màu sắc có năng lực truyền tải cảm xúc con người và họ thì yêu thích sử dụng những gam màu với sắc thái cao nhất.
Chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, kỹ thuật của trường phái Dã thú đã được đón nhận và phát triển bởi những họa sĩ Đức theo trường phái Biểu hiện và hàng loạt những nhóm nhỏ tách ra từ đó. Dù sau đó, trường phái Dã thú được dung nạp vào nghệ thuật hiện đại, ảnh hưởng của nó tới các giai đoạn nghệ thuật sau này là vô cùng quan trọng. Nó đã khích lệ thế hệ họa sĩ trẻ tự do sáng tạo và khai phá sắc màu như một đối tượng độc lập.
Thông tin cần ghi nhớ về trường phái Dã thú
– Trường phái Dã thú là một trào lưu hội họa xuất hiện tại Pháp vào đầu thế kỉ XX bởi hai nhà tiên phong Henri Matisse và André Derain.
– Những họa sĩ thuộc trường phái này được biết tới với cái tên ‘Les Fauves’.
– Tên gọi ‘Les Fauves’ (Quái vật hoang dã) xuất phát từ lời nhận xét mang tính châm biếm của nhà phê bình Louis Vauxcelles.
– Les Fauves tin rằng màu sắc có năng lực biểu cảm.
– Tác phẩm thuộc trường phái Dã thú có 2 đặc trưng: sự tối giản và gam màu táo bạo.
– Les Fauves có ảnh hưởng lớn tới trường phái Biểu hiện của Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét