Tự vẽ chân dung Édouard Manet Trong một bài viết trước đây, người viết có thu thập tài liệu trên lưới viết tóm lược về một số nghệ sĩ sống tại Montmartre và đề cập đến một vài tác phẩm tiêu biểu cho cá nhân của từng nghệ sĩ này. Bài viết ngắn này mang lên một chút chi tiết về một số tác phẩm của Édouard Manet. ÉDOUARD MANET (1832-1883), một trong những họa sĩ đầu tiên vẽ các tác phẩm liên quan tới các chủ đề về cuộc sống hiện đại, ông được coi là một trong những họa sĩ then chốt trong sự chuyển giao từ Trường phái hiện thực sang Trường phái ấn tượng. Những tác phẩm đầu của ông như "Le déjeuner sur l’herbe", "và "Olympia" đã tạo nên một cuộc tranh cãi lớn, và được coi là những nền tảng cho sự ra đời của trường phái ấn tượng sau này và dấu ấn của nghệ thuật hiện đại. Ông thường lui tới Montmartre. Những tác phẩm khỏa thân của ông, đặc biệt là tác phẩm Olympia đã gây phẫn nộ trong công chúng của thế giới nghệ thuật đương thời. Tuy nhiên tác phẩm này có một ảnh hưởng lớn lên các nghệ sĩ thời đó. Nói đến Édouard Manet và nơi lưu trữ nhiều bức họa nhất của ông thì phải là Bảo tàng Orsay. Và hầu hết tranh của Manet trong Bảo tàng Orsay không được mang đi trưng bày qua chương trình trao đổi nghệ thuật ở nơi nào hết trừ một ngoại lệ sẽ nói đến sau.
Manet cho chúng ta biết những nhân vật người mẫu trong bức hoạ : người đàn ông ngồi chính giữa bức tranh là Eugene (anh trai của Manet), người đàn ông đội mũ là Ferdinand Leenhoff (anh vợ tương lai của ông) , và người đàn bà khỏa thân , nhân vật chính gây chú ý đến tất cả người xem tranh, là một sự kết hợp giữa khuôn mặt của Victorine Meurent ( một người mẫu và cũng là một họa sĩ sau đó vào những năm 1870s) và thân hình của Suzanne Leenhoff, người vợ tương lai của Manet. Victorine Meurent là người mẫu lý tưởng của Manet từ trong khoảng thời gian 1862-1873, và là khuôn mặt trong nhiều bức họa nổi tiếng khác như The Street Singer, Olympia, The Fifer, chân dung Victorine Meurent, v.v… Cái ánh mắt nhìn thẳng vào người xem tranh của người mẫu khỏa thân Victorine rất bình thản, coi như chuyện không mặc quần áo là chuyện bình thường, và ngồi bàn luận với hai người đàn ông mặc đầy đủ quần áo chẳng có chi lạ. Và kể cả người đàn bà phía sau mặc y phục bình thường cũng bình thường như một bữa trưa bình yên trong công viên! Phải chăng cái thông điệp mang về nhà (take home message) qua bức họa này của Manet là khỏa thân không phải chỉ dành riêng cho nữ thần trong huyền thoại, khỏa thân chỉ là hình ảnh đàn bà đẹp, không nhục cảm, không trơ trẽn, xấu hổ? Manet có muốn mang lại chút bình đẳng cho phụ nữ qua bức tranh không? Ðàn bà cũng có thể có kiến thức và có thể bàn luận đủ chuyện nếu không có cái nhìn soi mói xuyên qua quần áo để chỉ thấy một người đàn bà khỏa thân trong ý nghĩ? Nếu hình dung cho người đàn bà này mặc quần áo thì bức tranh trở nên bình thường, không có chi thắc mắc? Cần cũng lưu ý là Manet thường vào thăm viếng xem tranh tại Bảo tàng Louvre và đã cho biết ông vẽ bức họa Le déjeuner sur l’herbe này vào năm 1863 sau khi xem bức họa The Pastoral Concert (c.1509), của Titian (hay Giorgione) vẽ thời kỳ Phục hưng, và treo trong Bảo tàng Louvre ở Paris.
Trong Pastoral Concert (Fête champêtre hay Le Concert champêtre) là hai người đàn ông mặc đầy đủ quần áo đang bàn luận/chơi nhạc, ngồi bên cạnh là một người đàn bà khỏa thân tay cầm ống sáo, và bên trái bức họa là một người đàn bà khỏa thân khác đang đang rót nước vào một bồn sứ hình chữ nhật, trong hậu cảnh bao la bát ngát là nhà, cây cối và người chăn cừu. Ðặt ý nghĩvào tư tưởng thời đó, có lẽ chủ đề ở đây là biểu tượng của âm nhạc và văn thơ: hai người đàn bà chỉ là một tưởng tượng phóng túng biểu tượng cái đẹp lý tưởng trong ý nghĩ của hai người đàn ông với môi trường đầy đủ yếu tố nước, không khí, đất, và cây cối. Chúng ta cũng biết Manet không thích trường phái hội họa Phục sinh cổ xưa với sự cứng nhắc trong khuôn khổ đã được đặt ra. Bằng cách vẽ bức họa theo ý nghĩ cấp tiến của ông, ông đã tạo một luồng sóng mới mẻ tuy không kém phần sóng gió, và thời gian là thực chứng không chối cãi được. Bức họa Le Déjeuner sur l’Herbe được nhà họa sĩ kiêm sưu tập tranh Étienne Moreau-Nélaton (1859-1927) mua vào cỡ sau năm 1897 thêm vào bộ sưu tập khá lớn với nhiều họa sĩ của ông, và được chính Moreau-Nélaton tặng toàn bộ sưu tập tranh quý giá lớn lao cho Viện Bảo tàng Louvre vào năm 1906. 2- Trong tác phẩm Olympia, một người đàn bà nằm trong tư thế của thần Vệ nữ bắt chước theo tác phẩm Venus of Urbino của Titian. Cũng như bức vẽ Bữa ăn trên cỏ sáng tạo trước đó một thời gian, Manet đã vẽ tấm họa Olympia với người mẫu Victorine Meurent. Trong tấm này nàng đang thản nhiên nhìn đăm đăm hướng về người đang nhìn tác phẩm. Bức Olympia đã được Manet vẽ năm 1863 dựa theo bức họa thời Phục sinh Venus of Urbino của danh họa người Ý Titian. Titian cũng không phải là người sáng tạo ra thế nằm của người mẫu mà vẽ theo bức họa của một danh họa khác là bức Sleeping Venus của Giorgione. Nhưng trong khi Giorgione vẽ người đàn bà khỏa thân nằm ngủ (nhắm mắt) giữa cảnh trời đất thiên nhiên bao la bát ngát của đồi núi, một sự hài hòa giữa thiên nhiên, sắc đẹp của một nữ thần; thì Titian đã vẽ /mang người đàn bà này vào trong khuê phòng. Thần Vệ nữ này không ngủ mang cái đẹp nhẹ nhàng nhưng nằm rất thoải mái, đưa mắt như có chút tò mò nhìn thẳng vào người xem tranh. Nàng nằm đó trên tấm trải giường trắng, gối trắng tương phản với một nửa hậu cảnh mầu đậm, và hình ảnh một người hầu và một hình dáng phía lưng một người nữ khác đang lục lọi tìm tòi vật chi đó trong ngăn kéo (một cô gái trẻ hay một người hầu khác?). Tấm lưng mềm, chân dài, bàn chân hơi nhỏ, và gần chân nàng là một chú chó nhỏ đang nằm cuộn tròn ngủ. Hình ảnh ấm cúng, giống như một cảnh gia đình có bà mẹ nằm tóc xõa mang cái nhìn mông lung, có chú chó trung thành với chủ, có cô bé gái và người hầu đằng sau. Olympia (1863) Manet. Orsay Museum. Tranh họa Thần vệ nữ nằm nghiêng đã gợi hứng cho rất nhiều họa sĩ vẽ lại. Trong nghệ thuật Tây Âu trong thời gian 1520-1900 được biết nhiều nhất có lẽ là bức vẽ chưa hoàn tất Sleeping Venus của Giorgione (1510) sau đó đã được Titian hoàn tất; bức Venus of Urbino của Titian (1538); The nude Maja của Francisco Goya (1792); và Olympia của Manet (1863). Bức Olympia lần đầu tiên đợc trưng bày tại phòng triển lãm tranh Paris năm 1863, nhưng bị công kích dữ dội nên sau đó đã được đem cất dấu. Olympia và Venus of Urbino Cũng như bức Bữa ăn trưa trên cỏ, màu sắc và kỹ thuật vẽ của Manet đã hoàn toàn khác hẳn (có chủ ý) so với những bức họa thời phục hưng. Về nội dung, chúng ta có thể so sánh bức họa Venus of Urbino của Titian với Olympia của Manet với những điểm chính như sau. 1-Thời Titian (1500s) đàn bà khỏa thân dành cho sắc đẹp lý tưởng của các Nữ thần. Vẽ Nữ thần khỏa thân là lối duy nhất cho các họa sĩ muốn vẽ bộ ngực hay thân hình đàn bà. Manet trái lại đã vẽ người đàn bà khỏa thân với ám chỉ họ có nghề nghiệp là nghề bán tình dục, cái tên Olympia đã cho chúng ta biết như thế, cái thế nằm, cái nhìn vô hồn trơ trẽn không ngượng ngùng mắc cở cho chúng ta biết như thế, những trang sức trên thân Olympia như hoa lan cài trên tóc, tóc không bới, một băng lụa đen quấn quanh cổ, tay đeo vòng, cho chúng ta biết như thế. Sự bằng phẳng không có chiều sâu của Manet so với những bức họa thời Phục sinh đã làm nhân vật trong hình gần với người thường hơn là hình ảnh nhân vật thần thoại như nữ thần. 2-Trong khi Venus có chú chó nhỏ nằm cuộn tròn ngủ dưới chân, một tượng trưng cho trung thành, thì Olympia có một chú mèo đen ở gần (đuợc hiểu ngầm thời đó có liên hệ đến gái bán tình dục) rất tỉnh táo, mắt sáng, đuôi dựng đứng. 3- Người hầu của Venus đứng xa đang nhìn cô bé lục lọc ngăn kéo tủ cho thấy Venus là một người đàn bà có địa vị cao, giàu có, trong khi đó kẻ hầu của Olympia, một người đàn bà da mầu đứng ngay bên cạnh Olympia, cầm một bó hoa có lẽ là quà của một khách hàng nào đó. 4- Ánh sáng trong bức họa cho thấy Venus có lẽ còn nằm trên giường vào buổi sáng khi mặt trời đang lên. Trái lại Olympia đang ở trong phòng kín giờ giấc không thể xác định. 5- Bức Venus of Urbino được vẽ theo đơn đặt hàng của Quận công Urbino, Guidobaldo II della Rovere, có lẽ để mừng đám cưới vào năm 1534 của ông với Giulia Vanarno, một cô gái rất trẻ. Người mẫu Angela del Moro là một cô điếm hạng sang ở Venice và thường đi ăn cùng Titian. Bức họa dù rất gợi cảm nhưng chủ ý cho nhân vật là một người đàn bà giàu sang, có địa vị. Trái lại, bức Olympia Manet vẽ vì muốn vẽ mà không bị một ràng buộc nào về tài chính. Gia đình ông quyền thế giàu có nên ông không phải vẽ để mưu sinh. Người mẫu Victorine Meurent trong Olympia được biết là một người thiếu nữ quen biết trong môi trường hội họa, và sau này trở nên một họa sĩ. Và người đàn bà khỏa thân trong bức họa ám chỉ đây là một người trong giới bán tình dục. (Tóm lại, có thể nói trong cả hai bức họa Bữa trưa trên cỏ và Olympia, Manet đã vẽ người đàn bà khỏa thân có một nghề nghiệp không đẹp trong xã hội thời đó.) So sánh như trên, vậy thì Manet đã vẽ hai bức họa này coi như một đột phá đi ngược lại với trường phái hội họa cổ điển, hay Manet đã vẽ nhại theo hai bức họa của Titian vì lòng yêu chuộng nghệ thuật nói chung và ngưỡng mộ cùng quý trọng Titian nói riêng? Mặc dù phản ứng không mấy thiện cảm cho tranh Manet lên rất cao trong thời đó nhưng Manet đã có sự ủng hộ của nhà văn Emile Zola, cùng một số họa sĩ như Gustave Courbet, Paul Cézanne, Claude Monet và sau đó là Paul Gaugin. "Gặp" nhau một lần! Hai bức hoạ Venus of Urbino và Olympia sau gần 150 năm cách biệt, một ở Venice Ý, và một ở Bảo tàng Orsay, đã có dịp được triển lãm một lần duy nhất tại Dinh tổng trấn (Doge’s palace) ở Venice, Ý từ April 24 đến August 11, 2012. Hình từ www.fmvmag.com Lần đầu tiên bức Olympia (1863) của Manet đã rời Pháp kể từ ngày chính thức trưng bày vào năm 1890 để được đứng cạnh bức họa Venus of Urbino của Titian trong cuộc triển lãm tranh độc nhất Manet: trở về Venice này. Bức Olympia đã được nhóm họa sĩ đứng đầu là Claude Monet cổ động góp tiền mua lại sau khi Manet qua đời và tặng cho quốc gia Pháp để trưng trong bảo tàng Luxembourg vào năm 1890. Sau đó bức Olympia được chuyển từ Bảo tàng Luxembourg (1890-1907), rồi sang Bảo tàng Louvre (1907-1986) và từ năm 1986 đến hiện tại ở Bảo tàng Orsay, Paris. Còn bức Venus of Urbino nằm trong bộ sưu tập thường trực của Galleria degli Uffizi tại Florence và luật pháp Ý không cho phép mang bức họa ra khỏi nước Ý. Một số bức họa khác nổi tiếng của Manet trưng bày trong Musée d’Orsay là The Fifer (1866), bức chân dung Emile Zola (1868), The Balcony (1868), On the Beach (1873), Woman in a tub (1879), The Escape of Rochefort (1881). Bức họa A Bar at the Folies-Bergere. Một bức họa khác của Manet mang tên A Bar at the Folies-Bergere trưng bày trong nhà nghệ thuật Courtauld Gallery tại London đã được bàn luận rất nhiều. Bức họa này được xem như là tác phẩm chính cuối cùng của Manet. Tác phẩm A Bar at the Folies-Bergère được vẽ vào năm 1882, và trưng tại Salon Paris cùng năm. Bức tranh miêu tả sinh hoạt một buổi chiều tại Folie-Bergère, một rạp hát lớn chứa được cả hơn ngàn người. Bức này thuộc sở hữu của nhà soạn nhạc Emmanuel Chabrier, một người bạn thân của Manet cho đến khi Chabier qua đời năm 1896. Nhà hát Folies-Bergère (cabaret music hall) là nhà hát lớn đầu tiên của Paris ở quận 9. Thời mới khánh thành vào năm 1869 nhà hát mang tên Folies Trévise là nơi trình diễn đủ loại từ tiểu operettes đến opera khôi hài, nhào lộn và trình diễn nhạc. Đến năm 1872 nhà hát đổi tên thành Folies-Bergère theo tên con phố Bergère gần đó. Đến cuối thế kỷ 19, nhà hát Folies-Bergère thường là nơi trình diễn những màn vũ với phụ nữ mặc càng ngày càng ít quần áo. Rạp Folies-Bergère hiện tại chứa cỡ 1,600 ghế ngồi. Nơi này thời Manet nổi tiếng là nơi cho đàn ông chọn mua dâm với gái gọi, nhà văn Maupassant có viết những cô bán rượu là những kẻ bán rượu và bán tình. Manet đã vẽ sơ bức họa tại rạp Folies-Bergère nhưng đã hoàn tất trong phòng vẽ riêng của ông với nhiều thay đổi nhất là vị trí trong gương của người đàn bà. Bức tranh là một điển hình cho thấy sự hướng về hiện thực tối đa của Manet trong một cảnh cận đại của cuối thế kỷ thứ 19. Bức họa cung cấp cho người nhìn rất nhiều chi tiết liên quan đến giai cấp và môi trường.Nhìn vào bức họa ta thấy một người đàn bà trẻ ánh mắt không nhìn thẳng vào người xem tranh mà như mơ hồ nhìn đâu đâu với khuôn mặt mang vẻ mệt mỏi buồn bã. Người đàn bà làm mẫu trong bức họa tên là Suzon, làm việc tại Folies-Bergère trong những năm 1880s. Trước mặt cô ta, Manet vẽ một đĩa cam, điều này theo nhà phân tích lịch sử nghệ thuật Larry L. Ligo hay T.J. Clark thì Manet vẽ trái cam để ám chỉ gái điếm trong tranh vẽ của ông. Ở đây cô gái bán rượu vừa bán hàng và cũng có thể mua đuợc với rượu. Những chai bia trên quầy có nhãn hiệu hình tam giác đỏ mang tên Bass Pale Ale, một thương hiệu của Anh thay vì bia Đức có lẽ mang thông điệp bài Đức ở Pháp sau trận chiến Franco-Prussia. Ở góc trái của bức họa có đôi chân đong đưa của một nghệ sĩ nhào lộn. Trong số khán giả ngồi tại Folies-Bergère , sử gia nghệ thuật cũng đã nhận ra hai người bạn của Manet (người đàn ông mang râu và người đàn bà áo trắng bên trái tấm họa. Nay nói về vị trí của những nhân vật trong bức họa. Nhìn vào bức họa ta thấy một người đàn bà trẻ dường như đứng trước một tấm gương lớn, vì ta thấy cái lưng trong phản chiếu, nhưng sự phản chiếu này lại hoàn toàn không phản ảnh đúng góc độ bình thường mà chúng ta nghĩ, và cái tấm lưng này lại đang đối diện với một người đàn ông đứng trước cô ta. Người xem dường như đứng đối diện ngay mặt với cô bán rượu ở bên ngoài quầy, nhìn những gì phản chiếu qua một tấm gương vĩ đại. Nhưng nhìn kỹ lại ta có thể tự hỏi người xem tranh đứng ở vị trí nào? Có phải là vị trí của người đàn ông bên góc trên bên phải của bức họa ở phía ngoài quầy và trước tấm gương không? Đúng thế. Và người đàn ông trong bức họa là ai? Đó chính là họa sĩ Édouard Manet.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét