Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Ấn tượng mặt trời mọc

 Không đơn thuần là tiêu đề một bức tranh, họa phẩm Impression: Soilel Levant (Ấn tượng: mặt trời mọc) của Claude Monet năm 1874 bị nhà phê bình nghệ thuật Louis Leroy lấy từ Impression ra diễu nhại, đã khai sinh ra một trường phái. Ấn tượng trở thành tên gọi mà lúc đó người ta không nghĩ sau nó nghệ thuật thế kỷ XX đã đảo chiều.

Chỉ trích của các nhà phê bình bấy giờ trước hết nhằm vào lối vẽ mà theo họ là bôi bác, bởi hầu hết tác phẩm bị gạt ra từ triển lãm quốc gia 1874, tập hợp lại trong triển lãm Phòng tranh bị từ chối (Salon des refuse) ở Paris năm đó không chủ trương vẽ theo lối hàn lâm. Họ chống lại các tiêu chuẩn kinh viện, gạt bỏ hình họa sang một bên, chỉ chú trọng đến màu sắc, theo đuổi cảm xúc, nhằm thể hiện ánh sáng tự nhiên theo ngẫu hứng riêng, không ai giống ai. Điều đó đã khiến cho các bức tranh tạo ra đối cực với lịch sử thẩm mỹ vẫn được thiết lập đến giai đoạn đó và hầu như không còn rõ ràng về hình thể.


Ấn tượng: mặt trời mọc, sơn dầu của Monet, sáng tác năm 1872, khổ 48 x 63cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Marmottan, Paris

Tác phẩm Ấn tượng: mặt trời mọc của Monet là một điển hình. Toàn bộ phong cảnh cảng La Havre như bị nhấn chìm trong sương mù. Tất cả xám xám, xanh xanh lại còn cố tình bị xóa nhòa bởi những lớp màu không cụ thể. Người ta phải nhìn thật kỹ, thật sâu xuyên qua những lớp sương sớm đó, mới có thể hình dung ra dáng hình của những con tàu cuốn buồm, một vài ống khói của tàu chạy bằng hơi nước. Rồi các cột khói đó lại như tỏa lan quyện vào sương mù đằng xa. Ngay một chiếc thuyền con, rõ nét nhất ở phần tiền cảnh của bức tranh cũng như thách đố người xem bởi màu sắc của thuyền, của người cầm lái và bóng nó in trên mặt nước hoàn toàn giống nhau. Có lẽ thứ duy nhất rõ ràng ở bức tranh này là chấm màu vàng cam - hình ảnh của mặt trời. Nó như xua đi ít nhiều cảm giác ảm đạm và lan tỏa thành những vệt lóng lánh in trên mặt nước, làm rạng khoảng không gian 1/3 tranh ở phía trên.

Mặt trời mọc tưởng chừng đơn giản như tên gọi, nhưng bức tranh này có lẽ đã vượt ra khỏi ngữ nghĩa giới hạn đó. Hình tượng mặt trời với Monet cũng như nhóm họa sỹ độc lập cùng chí hướng với ông, còn là tuyên ngôn của một thời đại mới - thời đại của ánh sáng theo đúng nghĩa đen khi các họa sỹ rời bỏ họa thất tối tăm để ra ngoài trời vẽ cảnh trời nước mênh mông, biến ảo. Họ lấy ánh sáng làm nhân vật chủ thể cho hầu hết đề tài, mô tả sự chuyển biến đến từng giây phút. Họ bỏ màu đen và thêm trắng tối đa trên bảng pha màu hòng biểu hiện gần nhất với ánh sáng tự nhiên.

Bên cạnh đó việc học theo nghệ sỹ Nhật Bản trong sử dụng nét, các nghệ sỹ của phong trào này đã cố tình đặt vệt bút tạo ra gợn màu - điều bị chỉ trích khốc liệt nhất, xem đó là sự phỉ báng những nguyên tắc trường quy để tạo ra các mẫu mực trong hội họa từ Phục hưng. Thế nhưng sau Monet, các nhát vệt đó đã trở thành nhân tố của phong cách biểu hình mới trong Tân Ấn tượng, như hội họa điểm sắc (Pointilism) hay hội họa phân điểm (Divisionism).

Từ Ấn tượng, việc vẽ lại những khoảng khắc ánh sáng trong ngày, ở các thời điểm khác nhau đã phái sinh thể loại tranh bộ. Một chân trời mới hiện ra. Cánh cửa hội họa đã xoay chiều, đóng lại những chương sử Phục hưng, mở ra sự đa dạng chưa từng có của lịch sử nghệ thuật thế kỷ XX.

Trang Thanh Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LỊCH VẠN NIÊN

Tháng
Năm

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang