Bài viết được sưu tầm từ báo điện tử Quân đội nhân dân (qdnd.vn)
Tăng tính cổ động cho tranh cổ động
Tranh cổ động là một loại hình nghệ thuật vừa mang tính đồ họa vừa có tính hội họa. Có nhiều khái niệm dùng cho loại hình này như tranh cổ động, tranh tuyên truyền, tranh quảng cáo, áp phích v.v.. nhưng có thể gọi chung đó là tranh tuyên truyền.
Về biểu hiện nội dung tranh
Nội dung tranh được thể hiện phải rõ ràng để người xem tranh hiểu, nếu tranh mà người xem không hiểu thì không còn tác dụng của tính tuyên truyền. Vì vậy tranh phải được miêu tả súc tích thể hiện được trọng tâm nội dung tranh. Trong việc sáng tác tranh phải chú ý đến ngôn ngữ của nghệ thuật hội họa và bản thân nó nói lên nội dung chứ không phải bằng chữ viết ở tranh, người xem mới hiểu nội dung. Việc này có những họa sĩ thể hiện không rõ chủ đề nên phải dùng chữ để bắt người xem phải hiểu nội dung tranh. Đó là điều tối kỵ bậc nhất của việc sáng tác tranh cổ động, vì thế yêu cầu tranh cổ động, là thể hiện cho được tổng hòa của các yếu tố hợp thành để làm rõ nội dung tranh mà tính đại chúng, tính dân tộc, tính khái quát, ước lệ phải chuẩn mực.
Trên thực tế hiện nay có trường hợp mâu thuẫn nội tại giữa người quản lý (lãnh đạo) duyệt tranh với họa sĩ sáng tác là ở chỗ lãnh đạo thích nội dung nhưng nghệ thuật phải khái quát, ước lệ, có điểm nhấn làm cho bức tranh đẹp không rườm rà. Ví dụ vẽ tranh chiến lược (chiến đấu hay sản xuất) thế nào cũng phải có được bốn ông bà: công, nông, binh, trí thức, ấy là chưa kể có đồng chí lãnh đạo còn yêu cầu có thêm người dân tộc thiểu số, thiếu nhi v.v.. Điều này làm hạn chế tính khái quát đồng thời làm rậm, vườn tranh, vừa khó vẽ vừa giảm hiệu quả.
Về nghệ thuật dựng hình
Cũng như các loại tranh hội họa, tranh cổ động nhất thiết phải đảm bảo ba yếu tố để có bức tranh đẹp đó là hình họa, màu sắc và bố cục.
Nếu họa sĩ dù có học tốt nghiệp đại học mỹ thuật lâu năm nhưng năng khiếu của người đó thấp thì dựng hình khó khăn, nhất là vẽ người (phương pháp cơ bản của giải phẫu người), vì thế tranh không thể nào có sức thuyết phục người xem. Do đó họa sĩ phải dựng hình thật chuẩn xác, đường nét phải hợp lý, rõ ràng, dứt khoát, chỗ nào đậm nhạt đòi hỏi họa sĩ phải nghiên cứu thật sự khoa học. Vẽ người trong tranh cổ động, việc biểu hiện tình cảm vui buồn, tức giận là hết sức quan trọng vì đó là linh hồn của tác phẩm. Như vậy tác giả vẽ tranh cổ động cũng phải rất chú ý đến các chi tiết miêu tả khuôn mặt, đẹp cho chính diện, xấu cho phản diện, không những ở đường nét mà cả màu sắc nữa. Nếu họa sĩ nào vẽ người yếu thì nên tìm cách thức biểu hiện khác để có thể đạt được nội dung như lấy hình tượng cờ, nhà máy, cánh đồng, bông lúa, đồ vật, vũ khí v.v.. làm cơ sở để sáng tác tranh cổ động. Vì tranh cổ động không nhất thiết nội dung nào cũng vẽ người, cố nhiên không có người thì người xem vẫn thấy tinh thần con người ở trong tranh.
Về bố cục tranh, cổ động
Hiện nay việc vẽ tranh cổ động có chiều hướng khó khăn vì sự đồng điệu trùng lắp đến đơn điệu của bố cục, làm hạn chế rất nhiều đến tính sáng tạo của họa sĩ, nhất là các loại tranh tuyên truyền cho các nhiệm vụ chính trị. Trong khi đó nội dung của tranh cổ động thì hầu như cứ lập đi lập lại. Ví dụ trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ thì người cầm súng, cầm dụng cụ sản xuất, thời bình tuyên truyền cho ngày hội, ngày lễ, bầu cử, đại hội v.v.. thì có nhà máy, cánh đồng, quyển sách v.v.. Chính vì thế mà có người nói hài hước "công, nông, binh, trí thức xếp hàng tiến lên" và cũng như thế mà tranh xếp người này trước người này sau, ai giơ tay, ai cầm dụng cụ, nhìn nghiêng hay nhìn thẳng, nông nghiệp phải có lúa, ngô hay con trâu, cái cày v.v... và v.v.. Quả thật là điều khó khăn cho họa sĩ vì thế mà qua bao cuộc tranh luận tranh cổ động thì có tới 70% sự đồng điệu này được nêu ra như bài toán khó trong việc sáng tác tranh cổ động. Có nhiều họa sĩ vẽ tranh cổ động mà giống như tranh minh họa sách (vẽ như thật) và ngược lại có tác giả vẽ tranh cổ động mà người xem chẳng hiểu gì nếu như không có dòng chữ đề ở dưới thì quả thật vẽ cho ai? Vẽ để làm gì?
Về sử dụng màu sắc
Tranh cổ động ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển và tư duy nghệ thuật cũng bước sang trang mới, thì việc sử dụng chất liệu màu sắc cũng phong phú và đa dạng hơn nhiều. Các chất liệu như chì, màu nước, sơn dầu, bột màu v.v.. đều sử dụng vào vẽ tranh cổ động và phương pháp vẽ không nhất thiết là mảng bẹt, mảng khối, mà có tranh dùng phương pháp tạo hình (hội họa) v.v.. Tuy nhiên màu sắc càng đơn giản, ít màu thì tranh càng mang ý nghĩa đặc thù của tranh cổ động. Thông thường từ (2 đến 4 màu) là đẹp. Màu sắc hài hòa, gam màu tươi sáng (có màu chủ đạo) thì tranh có sức thuyết phục cao. Tùy theo nội dung tranh mà tác giả có thể dùng gam nóng, gam lạnh v.v.. vì màu sắc là biểu hiện tình cảm.
Tóm lại, họa sĩ muốn có tác phẩm tranh cổ động đẹp là phải học hỏi tìm tòi sáng tạo kể cả trong thực tế và cả trong rèn luyện về khả năng hình họa, màu sắc, bố cục tranh. Mặt khác là phải học tập kinh nghiệm của những họa sĩ vẽ tranh cổ động đã thành danh như Huỳnh Văn Gấm, Huy Toàn, Thục Phi, Trần Mai, Trường Sinh, Huỳnh Phương Đông v.v.. Những họa sĩ tài năng đã đóng góp sức sáng tạo của mình trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Họa sĩ HOÀNG HOA MAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét